Phú Yên: Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong quản lý nhà nước

Thời gian qua, do một số khó khăn nhất định nên các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp của tỉnh vẫn chưa ứng dụng chữ ký số đầy đủ để trao đổi văn bản qua mạng nên việc cải cách hành chính, thương mại điện tử vẫn còn hạn chế nhất định. Do đó, việc triển khai sử dụng chữ ký số là nhiệm vụ cần thiết hiện nay. Báo Phú Yên đã trao đổi với ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT-TT về công tác này.

* Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai ứng dụng CNTT, trong đó có chữ ký số trong công tác cải cách hành chính của tỉnh?

- Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết dịch vụ công trực tuyến liên thông 4 cấp, xử lý văn bản qua hệ thống văn phòng điện tử, kết nối trục liên thông giữa các cơ quan nhà nước, văn bản điện tử đã được gửi, nhận, giải quyết công khai trên mạng, góp phần đổi mới phương thức hoạt động, lề lối làm việc theo hướng hiện đại, thiết thực, phục vụ kịp thời chỉ đạo của các ngành, địa phương.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, việc ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính trong cơ quan nhà nước còn hạn chế. Các đơn vị vẫn còn dùng văn bản giấy và sử dụng chữ ký truyền thống, chưa ứng dụng chữ ký số để trao đổi văn bản qua mạng. Do đó, văn bản điện tử hiện nay thiếu tính pháp lý, không đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin. Vì vậy, việc triển khai sử dụng chữ ký số là nhiệm vụ cần thiết để các tổ chức, cá nhân trong các cơ quan nhà nước có kiến thức tổng quan về chữ ký số và chứng thực chữ ký số chuyên dùng.

* Theo ông hiện nay, việc triển khai chữ ký số sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

- Chữ ký số có 2 dạng, một là chữ ký số công cộng (ứng dụng cho các doanh nghiệp và xã hội); hai là chữ ký số hành chính (ứng dụng cho các cơ quan nhà nước). Chữ ký số hành chính sẽ do Ban cơ yếu Chính phủ cấp miễn phí và xác thực, còn chữ ký số công cộng dùng trong doanh nghiệp, người dân… thì do các đơn vị phát hành chữ ký số cung cấp. Hiện Phú Yên có 5 đơn vị phát hành là VNPT, Viettel, FPT, Bkis, Nacencom. Việc ứng dụng chữ ký số sẽ rất có lợi cho công tác hành chính, quản lý cũng như hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Cụ thể như việc công khai thực hiện thủ tục qua mạng, không tốn thời gian, chi phí; đặc biệt, công tác quản lý nhà nước cũng sẽ nhanh, thuận lợi hơn nếu bỏ bớt con dấu, chữ ký, giấy tờ nhưng vẫn đảm bảo lưu chuyển văn bản an toàn, có hiệu lực trong thời gian sớm nhất.

Trong quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành lộ trình ứng dụng chữ ký số và ưu tiên thí điểm ở một số tỉnh, thành. Do những khó khăn nhất định nên tỉnh đã triển khai những vấn đề khác trước như liên thông, quản lý văn bản; đẩy mạnh dịch vụ công; sử dụng email điện tử và một số chương trình khác trong cơ quan nhà nước và khuyến khích doanh nghiệp vận dụng CNTT. Bên cạnh đó, chữ ký số mang tính chất cá nhân hóa trong khi do quen với việc dùng chữ ký và con dấu truyền thống nên các lãnh đạo chưa mặn mà dùng đến chữ ký số, ngại ứng dụng CNTT vào công tác quản lý. Mặt khác để ứng dụng hiệu quả chữ ký số thì cần hạ tầng mạng tốt, phủ rộng khắp; phần mềm, cơ sở dữ liệu đủ đáp ứng yêu cầu hiện tại; lãnh đạo đầu ngành, địa phương quyết tâm triển khai đồng bộ… Nhưng các điều trên có phần chưa đáp ứng nên chưa thể vận dụng tốt chữ ký số.

Lưu chuyển văn bản điện tử tại một cơ quan nhà nước của tỉnh - Ảnh: KHANG ANH

 * Với điều kiện thực tế, khi nào Phú Yên có thể triển khai chữ ký số? Những công việc phải làm hiện nay là gì, thưa ông?

- Để thực hiện những công việc tiếp theo, Sở TT-TT tiếp tục tuyên truyền về ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, đặc biệt là sử dụng chữ ký số; tập huấn sử dụng chữ ký số đến sở, ngành, địa phương. Vừa qua, Sở TT-TT đã phối hợp với Ban cơ yếu Chính phủ hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho các cá nhân đã được cấp chữ ký số; tích hợp chữ ký số ứng dụng trong xử lý và gửi nhận văn bản trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, giải quyết dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống email công vụ; tập huấn ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động cơ quan nhà nước của tỉnh. Sở TT-TT cũng đã mở 5 lớp tập huấn để đào tạo cho những cán bộ được cấp chữ ký số để giới thiệu về hệ thống chữ ký số và chứng thư số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm chứng thư số, sử dụng chữ ký số và ứng dụng chữ ký số trên một số ứng dụng cơ bản. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đào tạo kỹ năng ứng dụng chữ ký số, CNTT cho cấp xã trong thời gian tới.

Tại Phú Yên, Ban cơ yếu Chính phủ đã cấp khoảng 360 chữ ký số cho giám đốc, phó giám đốc hay các trưởng phòng có nhiệm vụ thực hiện văn bản ở các đơn vị quản lý nhà nước. Cho đến thời điểm này, các đơn vị đã bảo đảm hạ tầng CNTT nhằm áp dụng thao tác chữ ký số. Sắp tới, việc cấp chữ ký số sẽ được triển khai toàn diện cho các cán bộ có trách nhiệm sở hữu. Hiện sở đang tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế thực hiện, sử dụng, quản lý chữ ký số. Khi quy chế được ban hành thì các đơn vị bắt đầu ứng dụng chữ ký số. Dự kiến khoảng tháng 6/2018, các cơ quan nhà nước sẽ áp dụng thực hiện chữ ký số, kể cả cấp xã. Vấn đề cần thiết hiện nay là mạng viễn thông phải được phổ biến và bảo đảm đường truyền tốt. Các đơn vị phải sử dụng các phần mềm quản lý văn bản điện tử và có nguồn nhân lực sử dụng tốt CNTT cũng như có ý thức sử dụng chữ ký số.

* Xin cảm ơn ông!